Danh sách quận huyện ở Hải Phòng hiện nay

Hải Phòng có bao nhiêu quận, huyện là câu hỏi của rất nhiều người khi tìm hiểu về du lịch Hải Phòng. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau khám phá danh sách quận huyện ở Hải Phòng.

Danh sách quận huyện ở Hải Phòng hiện nay

I. Thông tin về Thành Phố Hải Phòng

  • Tên thành phố: Thành phố Trung Ương Hải Phòng
  • Tên gọi khác: Thành phố Hoa Phượng Đỏ, Thành phố Cảng
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Ngày thành lập: 19/07/1888 – Công nhận năm 2003
  • Loại đô thị: Loại 1
  • Diện tích thành phố: 1.526,52 km2
  • Dân số: 2.028.514 người (năm 2019) – Đứng thứ 7 cả nước
  • Mật độ dân số: 1368 người/km2
  • Mã số bưu chính: 180000
  • Giáp ranh: Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Biển Đông
  • Phân chia hành chính: 7 Quận – 8 Huyện
  • Quận trung tâm: Q. Hồng Bàng, Q. Lê Chân, Q. Ngô Quyền

Thông tin về Thành Phố Hải Phòng

Thành phố Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng của khu vực miền Bắc khi đảm nhiệm việc kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu. Nền kinh tế chính của thành phố Hải Phòng là nền kinh tế công nghiệp, Hải Phòng đang là điểm đến của nhiều tập đoàn vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp. Một trong số những khu công nghiệp lớn nhất của Hải Phòng phải kể đến là KCN VSIP, Tràng Duệ….

Thành phố Hải Phòng cũng là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung Ương, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM, Cần Thơ.

II. Danh sách quận huyện ở Hải Phòng

Hải Phòng bao gồm 7 quận và 8 huyện, trong đó có 3 quận trung tâm với mật độ dân cư cao. Dưới đây là danh sách chi tiết về các quận và huyện tại Hải Phòng.

Danh sách 07 quận tại Hải Phòng

  • Quận Hồng Bàng
  • Quận Ngô Quyền
  • Quận Lê Chân
  • Quận Hải An
  • Quận Kiến An
  • Quận Dương Kinh
  • Quận Đồ Sơn

Danh sách 08 huyện tại Hải Phòng

  • Huyện An Dương
  • Huyện Thủy Nguyên
  • Huyện Kiến Thụy
  • Huyện Tiên Lãng
  • Huyện Vĩnh Bảo
  • Huyện An Lão
  • Huyện Cát Hải
  • Huyện Bạch Long Vĩ

Ngoài ra, Hải Phòng đang có kế hoạch đưa huyện Thủy Nguyên lên Thành Phố (Thành phố trực thuộc Thành phố) và đưa huyện An Dương lên thành quận (Chưa có kế hoạch cụ thể).

1. Quận Hồng Bàng

Quận Hồng Bàng

Quận Hồng Bàng là một quận nằm trong trung tâm thành phố Hải Phòng, nơi đây có vị trí đắc địa khi giao thoa giữa đường sắt, đường thủy và đường bộ của thành phố. Quận Hồng Bàng cũng chính là cầu nối đưa Hải Phòng gắn kết với thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh, tạo thành một tam giác vàng phát triển kinh tế phía Bắc Việt Nam (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh).

Quận Hồng Bàng giáp với quận Ngô Quyền, quận Lê Chân, huyện An Dương, huyện Thủy Nguyên.

Quận Hồng Bàng thừa hưởng toàn bộ tinh hoa của thành phố Hải Phòng, có tốc độ phát triển kinh tế khá nhanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Song song với tốc độ phát triển, nơi đây cũng đẩy mạnh phát triển đô thị với các hệ thống hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ, nhiều dự án đầu tư công được phát triển, công trình xây dựng quy mô lớn nhằm thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ.

2. Quận Ngô Quyền

Quận Ngô Quyền

Quận Ngô Quyền là một quận nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng và có 12 phường với tổng diện tích hơn 11km2. Quận Ngô Quyền gắn liền với con sông Cấm chạy dọc đường viền địa giới tại phía Bắc, ngăn cách với huyện Thủy Nguyên. Về mặt địa lý quận Ngô Quyền có nhiều hồ lớn, tạo ra cảnh quan đẹp mắt cho người khách du lịch.

Quận Ngô Quyền có địa hình tương đối bằng phẳng, giáp với quận Hải An, quận Hồng Bàng, quận Lê Chân, quận Dương Kinh và huyện Thủy Nguyên.

Quận Ngô Quyền có vị trí quan trọng trên lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tại Hải Phòng. Nơi đây tập trung hầu hết các cơ quan nghiệp vụ của thành ủy, đoàn thể, các sở, ban, ngành của thành phố.

3. Quận Lê Chân

Quận Lê Chân

Quận Lê Chân là một quận nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng và giáp với quận Ngô Quyền, huyện An Dương, quận Dương Kinh và quận Hồng Bàng. Quận Lê Chân gắn liền với biểu tượng của thành phố Hải Phòng – Nữ Tướng Lê Chân.

Quận Lê Chân có diện tích canh tác nông nghiệp rất ít, diện tích đất tự nhiên không còn nhiều nên không thu hút được sự đầu tư để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn. Tuy nhiên, quận Lê Chân lại tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nên phát triển rất mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân luôn ở mức hai con số trong suốt nhiều năm qua (25-30%).

4. Quận Hải An

Quận Hải An

Quận Hải An là một quận nội thành nằm ở phía Đông thành phố Hải Phòng. Quận Hải An có diện tích giáp biển lớn nên nơi đây chính là vị trí thích hợp để đặt sân bay. Quận Hải An có Cảng Hàng Không Quốc Tế Cát Bi (Sân bay chính của Hải Phòng) chuyên phục vụ khách nội địa và quốc tế. Sân bay Cát Bi hiện đang phục vụ vận chuyển hơn 2 triệu lượt khách và 12000 tấn hàng hóa mỗi năm.

Nhằm tận dụng triệt để đường bờ biển kéo dài, quận Hải An có rất nhiều cảng biển như: Cảng Chùa Vẽ, Cảng Cửa Cấm, Cảng Quân sự và một số cảng chuyên dùng khác.

5. Quận Kiến An

Quận Kiến An

Quận Kiến An là một quận nội thành thuộc thành phố và nằm ở phía tây nam Hải Phòng.

Kiến An có đồi Thiên Văn, nơi đặt đài thiên văn lớn nhất Miền Bắc, không những làm nhiệm vụ phục vụ cho khí tượng thủy văn, mà từ trên đỉnh đồi có thể ngắm nhìn toàn cảnh quận Kiến An. Tại đây, bạn có thể cảm thấy mình đang ở trong một khu rừng thực sự, và khi leo lên đỉnh đồi, bạn có thể cảm nhận được công sức mình bỏ ra là không uổng phí. Bạn có thể phóng tầm mắt ra tận chân trời để nhìn ngắm toàn cảnh quận Kiến An.Với những đồi thông xanh mướt rì rào bạn sẽ cảm thấy xua tan mệt nhọc khi đến đây chơi vào những ngày hè nóng bức thì không khí vẫn mát mẻ như Đà Lạt. Có thể nói đồi thiên văn có nét hao hao giống Đà Lạt.

Kiến An còn có hồ Hạnh Phúc, đây là một công trình phục vụ nhân dân, hồ đẹp và rộng, được Quận tiến hành nạo vét xây kè xung quanh, trồng cây xanh tạo khung cảnh của một công viên rất đẹp không thua kém bất kỳ hồ công viên nào khác.

6. Quận Dương Kinh

Quận Dương Kinh

Quận Dương Kinh nằm ở phía đông nam nội thành của TP. Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Quận Dương Kinh giáp với quận Hải An, quận Kiến An, quận Đồ Sơn, quận Lê Chân, quận Ngô Quyền, huyện Kiến Thụy và Vịnh Bắc Bộ.

7. Quận Đồ Sơn

Quận Đồ Sơn

Đồ Sơn là một bán đảo nhỏ do dãy núi Rồng vươn dài ra biển 5 km với hàng chục mỏm đồi cao từ 25 đến 130 m. Quận nằm ở phía đông nam thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 22 km về hướng đông nam.

Do ở phía bắc và phía nam của quận là hai cửa sông Lạch Tray và Văn Úc thuộc hệ thống sông Thái Bình đổ ra biển đem theo nhiều phù sa, cộng thêm việc quai đê lấn biển ở Đảo Hòn Dấu để xây dựng khu Resort cao cấp, nên nước biển ở khu vực này đục (nhất là khu II) nhưng vẫn có sức thu hút du khách.

8. Huyện An Dương

Huyện An Dương

An Dương là một khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ quan trọng của Hải Phòng. An Dương có khu công nghiệp Nomura, cụm công nghiệp Bến Kiền, khu công nghiệp Hải Phòng – Sài Gòn, khu công nghiệp Đặng Cương, khu công nghiệp Tràng Duệ.

Hiện nay, huyện An Dương đang triển khai xây dựng khu đô thị PG An Đồng nằm trên địa bàn xã An Đồng.

Trong tương lai, huyện An Dương sẽ được chuyển đổi thành quận An Dương.

9. Huyện Thủy Nguyên

Huyện Thủy Nguyên

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 20 xí nghiệp, nhà máy, hàng trăm cơ sở sản xuất - kinh doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động đã tạo lập môi trường sản xuất - kinh doanh sôi động, cạnh tranh lành mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng trên địa bàn huyện. Cùng với những thành tựu đạt được, Thủy Nguyên còn đón nhận nhiều dự án lớn đang được đầu tư trên địa bàn như: tuyến Quốc lộ 10 từ Bến Kiền, Đá Bạc sang Quảng Ninh; nhà máy nhiệt điện 600 MW (xã Tam Hưng); Nhà máy Xi măng Hải Phòng (thị trấn Minh Đức); mở rộng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu.... Đây sẽ là những nền tảng cơ bản cho sự phát triển của Thủy Nguyên trong tương lai.

Có thể nói, bức tranh kinh tế Thủy Nguyên trong giai đoạn gần đây đã có những gam màu sáng, hoạt động kinh tế sôi động hơn đã mang lại hơi thở mới trong cuộc sống của người dân nơi đây. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân Thủy Nguyên được cải thiện rõ rệt nhờ các biện pháp chăm lo đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa giáo dục.

Trong tương lai, huyện Thủy Nguyên sẽ được chuyển thành Thành Phố Thủy Nguyên (Thành phố thuộc Thành phố Hải Phòng).

10. Huyện Kiến Thụy

Huyện Kiến Thụy

Dòng sông Đa Độ đến khu trung tâm huyện thì mở rộng ra như một hồ nước lớn, cùng với núi Đối soi bóng xuống dòng sông, tạo cho nơi đây một vùng đất "non nước hữu tình, cảnh như tranh vẽ".

Bên cạnh cảnh non nước hữu tình ấy, huyện Kiến Thụy đã và đang khoác lên mình áo mới của thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó là những nhà máy, xí nghiệp từ từ mọc lên, những ngôi nhà cao tầng khang trang; đặc biệt là cơ sở hạ tầng được nâng cấp sạch đẹp.

Với những nét đẹp, giá trị về văn hóa, lịch sử, huyện Kiến Thụy có tiềm năng phát triển về du lịch. Đặc biệt là sau khi hoàn thiện Kinh Thành nhà Mạc - Một công trình lịch sử cấp quốc gia, có quy mô, được đầu tư sẽ hứa hẹn mang lại cho huyện sự phát triển mới và được nhiều người biết tới hơn nữa.

11. Huyện Tiên Lãng

Huyện Tiên Lãng

Thuốc lào Tiên Lãng, một đặc sản của Hải Phòng, một thời từng là hình ảnh xuất hiện trong nhiều tác phẩm thơ văn, điện ảnh và cả trong ca dao. Bởi vậy mới có những câu như Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên. Thuốc lào trồng trên đất An Tử Hạ nay thuộc thôn an tử xã Kiến Thiết (quê ngoại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) thời xưa dùng để tiến vua và được ghi vào sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi. Từng là đặc sản tiến Vua từ xa xưa và được rất nhiều người ưa chuộng bởi hương vị đặc trưng cũng như sự thích hợp bởi đất trồng nơi đây.

12. Huyện Vĩnh Bảo

Huyện Vĩnh Bảo

Kinh tế Vĩnh Bảo chủ yếu dựa vào nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Những năm gần đây với sự ra đời của cụm công nghiệp Tân Liên, vấn đề việc làm đã phần nào được giải quyết và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện. Nhưng sự thiếu thốn cơ sở vật chất khiến khu công nghiệp trở nên khó hấp dẫn các nhà đầu tư. Không những vậy nguy cơ ô nhiễm môi trường từng ngày đang đe dọa đời sống người dân.

13. Huyện An Lão

Huyện An Lão

An Lão là huyện ít làng nghề và làng có nghề. Sản xuất nông nghiệp hầu như không tách rời với người dân. Giá trị tạo ra của các làng nghề, làng có nghề và nghề truyền thống còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng về vị trí địa lý. Nhóm nghề dịch vụ cũng chưa phát triển nhiều nếu so cùng địa phương khác ở đồng bằng sông Hồng. Ngay cả ở các xã phát triển nhất huyện như Quang Trung, Quốc Tuấn, An Tiến, Mỹ Đức nhóm nghề dịch vụ, kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp cũng chưa phát triển nhiều.

14. Huyện Cát Hải

Huyện Cát Hải

Huyện Cát Hải có đảo quần đảo Cát Bà nơi thiên nhiên ban tặng cho nhiều cảnh quan đẹp. Ở đây có nhiều điểm du lịch hấp dẫn cho nhiều loại hình như dã ngoại, trải nghiệm, phượt, nghỉ dưỡng, tắm biển; khám phá các hòn đảo, hang động, leo núi...

15. Huyện Bạch Long Vĩ

Huyện Bạch Long Vĩ

Bạch Long Vĩ là một đảo, đồng thời là một huyện thuộc thành phố Hải Phòng, Việt Nam. Đây là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, nằm ở khoảng giữa vịnh, cách Hòn Dấu (Hải Phòng) 110 km, cách đảo Hạ Mai (Vân Đồn, Quảng Ninh) 70 km và cách mũi Đại Giác trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 km. Đảo nằm trên một trong tám ngư trường lớn của vịnh, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ cũng như trong phân định vịnh Bắc Bộ.

Trên bài viết này, Top Hải Phòng đã chia sẻ với bạn danh sách quận huyện ở Hải Phòng hiện nay. Chúc bạn một ngày vui vẻ!

Viết bình luận